HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN



Mr. Chiên
ĐT: 0968.554.878

Luongthucminhchien@gmail.com

Danh mục sản phẩm

Đăng ký nhận tin mới

Định vị thương hiệu gạo Việt

Thứ bảy - 25/05/2019 01:47
Dinh-vi-thuong-hieu-gao-Viet

Dinh-vi-thuong-hieu-gao-Viet

TTO - Việc định vị cho thương hiệu gạo Việt trên thương trường là bước “nâng cấp” bức bách bằng chất lượng chứ không chỉ chạy theo số lượng. Một thời vàng thau lẫn lộn

Tại hội thảo Xây dựng thương hiệu cho nông sản ĐBSCL được tổ chức tại tỉnh Bến Tre năm 2006, kỹ sư Hồ Quang Cua (sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng) gây ấn tượng khi đưa ra "khát vọng đầu tiên" là xây dựng chỉ dẫn địa lý "Gạo thơm Sóc Trăng". Đó thật sự là nền tảng vững chắc để Sóc Trăng khẳng định được thương hiệu gạo của vùng đất Sóc Trăng với các dòng lúa thơm ST hiện nay.

Kỹ sư Hồ Quang Cua nhớ lại: "Năm mới tái lập tỉnh Sóc Trăng (1992), GS.TS Võ Tòng Xuân tặng tỉnh nghèo mới chia tách giống lúa Khao Dawk Mali được nhân giống khoảng 10ha tại đồng đất Sóc Trăng. Với nhiệt tình và khí thế của những con người làm chủ mới, đến năm 1995 Sóc Trăng đã nổi tiếng ở Đồng Bằng Sông Cửu Long với diện tích lúa Khao Dawk Mali là 5.000ha".

Trong 3 năm qua, nhiều loại gạo ST được nông dân sản xuất tại Sóc Trăng đạt giá trị xuất khẩu và bán buôn trên thị trường nội địa với mức cao vào top dẫn đầu dòng gạo chất lượng cao. Bộ NN&PTNT cũng nhanh chóng lấy giá trị hạt gạo xuất khẩu từ các giống lúa của Sóc Trăng để làm mục tiêu "nâng cấp giá trị hạt gạo Việt".

 

Định vị thương hiệu gạo Việt - Ảnh 1.
 

Nông dân thu hoạch lúa trên cánh đồng huyện Phong Điền, Cần Thơ - Ảnh: CHÍ QUỐC

Trở lại câu chuyện vì sao một thời gian dài gạo Việt Nam chưa có thương hiệu? Cần nhìn nhận vai trò then chốt nằm ở Hiệp hội Lương thực Việt Nam(VFA).

Một thời gian dài, VFA đã được nhận những "đặc ân" trong xuất khẩu gạo. Cụ thể là VFA đã quá chăm bẵm vào miếng bánh "quota - hạn ngạch" xuất khẩu gạo từ những gói thầu xuất khẩu gạo của Chính phủ, chủ yếu là ở phân khúc gạo có phẩm cấp trung bình và thấp.

Nông dân trồng hàng chục giống lúa khác nhau trên cùng một cánh đồng. Thương lái mua xô bồ trộn lẫn các giống lúa cung cấp cho doanh nghiệp xuất khẩu ở phân khúc gạo cấp trung bình. Đây cũng là lúc xuất hiện tình trạng "cười ra nước mắt".

Thương lái mua lúa treo bảng trên ghe: "Chỉ mua lúa giống IR 50404"!? Nghĩa là thương lái "từ chối" mua gạo thơm (nhiều nông dân trồng lúa thơm phải bấm bụng bán ngang giá lúa thường) - do các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đang cần gạo phẩm cấp trung bình.

Cần nói thêm, giống lúa IR 50404 cho phẩm cấp gạo trung bình; nông dân trồng lâu năm, lấy lúa thịt làm lúa giống nên thoái hóa, chất lượng gạo thường thấp!

Không có gì khó hiểu khi trong cùng một thời gian dài, gạo Thái Lan gần như độc chiếm xuất khẩu ở phân khúc gạo thơm, gạo cao cấp. Gạo Việt Nam xuất khẩu với giá thấp tè, có thời điểm người dân ĐBSCL mua gạo ăn ở thị trường nội địa còn cao hơn cả giá gạo xuất khẩu!

Hạt gạo "hãnh tiến"

 

Cách đây khoảng 3 năm, VFA tham gia xây dựng chuỗi phát triển thương hiệu gạo vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030. Theo đó, VFA cụ thể hóa thương hiệu gạo ở 3 cấp độ: Quốc gia - Vùng ĐBSCL/địa phương - Doanh nghiệp/sản phẩm.

ĐBSCL được "trời ban phú" với những đặc điểm sinh thái đa dạng, sản phẩm lúa gạo sẽ thỏa mãn nhiều phân khúc khác nhau như gạo đặc sản, gạo chất lượng cao và gạo theo phân khúc thị trường ngách chuyên biệt. Đây là bước tiến đáng ghi nhận của gạo Việt Nam.

 

Định vị thương hiệu gạo Việt - Ảnh 2.

Xuất khẩu gạo thơm

Khi câu chuyện quota - hạn ngạch xuất khẩu gạo được "cởi trói", hơn 100 doanh nghiệp tham gia vào thị trường xuất khẩu với nhiều phân khúc xuất khẩu khác nhau đã tạo động lực hình thành các vùng nguyên liệu lúa chất lượng cao, gạo đặc sản.

Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam liên kết với nông dân trồng lúa, hình thành các vùng nguyên liệu gắn với đầu ra ở các phân khúc thị trường gạo chất lượng cao, gạo thơm.

Con đường tạo lập thương hiệu cho gạo Việt trên thương trường vẫn là câu chuyện dài trong nhiều năm tới.

"Bán cái người ta ưng"

"Xây dựng thương hiệu cho lúa gạo ĐBSCL nói đơn giản là bán cái gì mà người ta ưng. Tại sao thời gian qua người ta đông nghẹt đi xem mấy đứa nhỏ đội bóng Hoàng Anh Gia Lai đá - đó là thương hiệu. Xây dựng thương hiệu là khách hàng, khách hàng là thương hiệu", ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đã nói một cách hình tượng khi đề cập đến thương hiệu cho gạo Việt.

Hẳn GS.TS Võ Tòng Xuân rất vui khi cuối năm ngoái gạo ST24 của Việt Nam đã được vinh danh với gạo Thái Lan và gạo Campuchia trong "Top 3 Gạo ngon nhất thế giới" tại Hội nghị quốc tế lần 9 về Thương mại Gạo, tổ chức tại Ma Cao - Trung Quốc. Gạo ST24 được ra đời từ nhóm nghiên cứu do Kỹ sư Hồ Quang Cua (Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng) dẫn đầu.

Gạo ST24 được bình chọn là gạo đạt chuẩn hạt dài, trắng trong, cơm dẻo vừa và có hương thơm mùi lá dứa. Đặc điểm gạo thơm ST24 của Việt Nam nổi bật là ngắn ngày (100-105 ngày) so với gạo Thái rất dài ngày (khoảng 150 ngày). Đây là bước tiến không nhỏ của các loại gạo thơm ST do Kỹ sư Hồ Quang Cua dày công nghiên cứu lai tạo trong nhiều năm qua.

Doanh nghiệp xuất khẩu xác lập các phân khúc gạo khách hàng ưa chuộng để xây dựng thương hiệu: gạo thơm, gạo chất lượng cao… thì chắc chắn hạt gạo sẽ đem lại nhiều "quả ngọt" cho nông dân châu thổ cuối nguồn dòng Mekong. Hiện tại, khoảng chênh với giá xuất khẩu gạo ở phân khúc gạo cao cấp, gạo thơm giữa Thái Lan và Việt Nam gần như đã được "cân bằng".

Và để hạt gạo Việt Nam có thương hiệu và cạnh tranh sòng phẳng trên thương trường, rất cần những con người dành tâm huyết cho cây lúa lâu nay như GS.TS Võ Tòng Xuân, Kỹ sư Hồ Quang Cua.

SÁU PHONG - Nguồn: Báo Tuổi Trẻ

Nguồn tin: Nguồn: Báo Tuổi trẻ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Những tin cũ hơn